Kiều Ở Lầu Ngưng Bích
(1033-1054)
Phạm Thị Nhung
Xuất Xứ
Sau đêm Kim Trọng và Thúy Kiều chung hưởng hạnh phúc tuyệt vời bên nhau (đôi bên thề nguyền phu phụ và Kiều hầu đàn Kim Trọng), biến cố dồn dập đến: chàng Kim phải về Liêu Dương chịu tang chú; Kiều phải bán mình chuộc tội oan cho cha rồi bị lừa vào thanh lâu của Tú Bà. Quá ức lòng, Kiều rút dao tự vẫn. Tú Bà cứu kịp, chạy người thuốc thang rồi đưa Kiều ra ở Lầu Ngưng Bích và hứa tìm được người tử tế sẽ gả cho.
Đại Ý
Cảnh trí bát ngát chung quanh Lầu Ngưng Bích cùng tâm sự u buồn của Thúy Kiều.
Bố Cục
Đoạn thơ này có thể chia làm 3 phần:
I – Câu 1033-1038
a/ 1033-1036 Giới thiệu khái quát cảnh trí quanh Lầu Ngưng Bích
b/ 1037-1038 chuyển đoạn.
II – Câu 1039-1046 Tâm sự của Kiều:
a/ 1039-1042 Nhớ Kim Trọng
b/ 1043-1046 Nhớ cha mẹ
III- Câu 1047-1054 Cảnh bể chiều hôm cùng tâm trạng của Kiều.
Phân Tích
I - Câu 1033-1038
a) Cảnh trí quanh Lầu Ngưng Bích (1033-1036)
Từ khi bị đưa ra ở Lầu Ngưng Bích, chỉ nghe tên lầu, Kiều đã cảm thấy chua xót cho thân phận. Ngưng Bích có nghĩa là đọng sắc xanh (màu ngọc bích), ngụ ý màu xanh của nước non cây cỏ xung quanh đều tụ vào ngôi lầu. Màu xanh ngọc bích lại là màu xanh lá cây, là màu tượng trưng cho tuổi trẻ. Do đó, Kiều chạnh nghĩ đến cảnh ngộ: Tuổi thanh niên, son trẻ của nàng bị ngưng đọng, tức bị giam hãm chốn này. Như thế, tên Lầu Ngưng Bích còn có thể suy diễn theo nghĩa là ngôi lầu giam cầm tuổi thanh xuân, đồng nghĩa với “khóa xuân”.
Kiều phải kéo dài chuỗi ngày cô đơn, buồn tẻ nơi đây. Sớm chiều chỉ biết làm bạn với dãy núi xa, với mảnh trăng gần:
Trước Lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung.
Thực tế tính theo không gian vật lí, núi phải gần hơn trăng gấp vạn triệu lần, nhưng Kiều vẫn cảm thấy “non xa”, “trăng gần” vì nhiều lí do. Trước hết, có thể Kiều đã nhìn cảnh về ban đêm. Kiều từ trên lầu cao nhìn xuống thấy cảnh sắc núi non hiện ra xa xa, mờ mờ. Trong khi ngẩng mặt nhìn trời, vầng trăng sừng sững ngay trên đỉnh đầu khiến nàng có ảo giác “non xa” mà “trăng gần”. Sau nữa, Kiều còn nhìn thiên nhiên qua không gian tâm lí. Cảnh núi non trơ trơ ra đó chẳng gợi cho Kiều một chút thân mật nào, có chăng là sự xa cách và nàng cũng không thể tới được (ít ra là lúc này). Trong khi trăng là chứng nhân cho đêm thề nguyền gắn bó của nàng với chàng Kim. Giờ đây, chỉ có trăng biết chuyện để có thể chia sẻ với nàng những hồi quang của hạnh phúc ái ân xưa. Lại những đêm Kiều quá cô đơn sầu khổ, cũng chỉ có trăng thường tỏa ánh sáng dịu dàng lên da thịt nàng, như mơn trớn, vuốt ve, an ủi nàng. Thời gian Kiều bơ vơ đau khổ này, Kiều cần sự vuốt ve, an ủi biết dường nào!
Như thế, câu thơ “Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung” Nguyễn Du đã ghi lại được một cái nhìn về thiên nhiên rất “hư” mà lại rất “thực” qua nhãn quan của nàng Kiều.
Ban ngày, từ Lầu Ngưng Bích, Kiều thường phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh giới bao la chung quanh lầu. Nọ là đồi cát bên ven bể. Xa tít kia là đám bụi đỏ bốc lên mù mịt từ chốn kinh thành.
Chúng ta được biết, trong Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Tử, vị trí của Lầu Ngưng Bích đã được ghi rõ: “Nguyên cái lầu này, phía đông nhìn ra bể rộng, phía bắc trông về kinh kì, phía nam có thành Kim Lăng, phía tây có dãy Núi Kì Sơn” (trang 161). Như thế, “bụi hồng” ở đây không phải là bụi cây tơ hồng như nhiều người lầm tưởng mà là bụi đường màu đỏ của chốn nhân gian.
b/ Chuyển Đoạn. (1037-1038)
Cảnh trí bao la, man mác nơi đây càng làm nổi bật sự vắng vẻ, hiu quạnh của ngôi Lầu Ngưng Bích. Kiều bị giam lỏng trên đó đã nhiều ngày. Nàng cảm thấy biết bao buồn tủi, cay đắng cho tình cảnh hiện tại “ Bẽ bàng mây sớm đèn khuya”. Bẽ bàng là tự cảm thấy thương xót và buồn cho mình. Cuộc đời của Kiều đang êm đềm hạnh phúc là thế, nào gia đình cha mẹ chị em sum họp đông vui, nào chàng Kim, người đã cho nàng một tình yêu say đắm, thiết tha. Vậy mà nay nàng phải xa lìa tất cả, phải sống một thân một mình vò võ trên lầu vắng, sớm sớm chỉ trông thấy mây hàng lờ lững bên trời (mây sớm), đêm đêm chỉ có ngọn đèn con đối bóng (đèn khuya). Nàng tránh sao khỏi có tâm trạng “bẽ bàng”, tủi buồn cho thân phận? Như vậy, câu thơ “ Bẽ bàng mây sớm, đèn khuya” chính là để thắt ý cho đoạn thơ tả cảnh ở trên. Câu thơ tiếp sau: “Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng” lại mở ý cho đoạn dưới:
Cảnh (cửa bể chiều hôm) đã buồn mà tình Kiều còn buồn hơn. Thế rồi, cả hai cùng tác động làm rối loạn tâm trí nàng.
II – Câu 1039-1046
a) Kiều Nhớ Kim Trọng (1039-1042)
Những ngày sống cô đơn nơi Lầu Ngưng Bích, lòng nhớ nhung Kim Trọng và cha mẹ luôn luôn trở về vò xé tâm can Kiều.
Trước hết, Kiều tưởng nhớ tới chàng Kim, người đã cùng nàng chia sẻ hạnh phúc tuyệt vời trong đêm rượu thề dưới bóng trăng “vằng vặc”.
Bóng trăng “chứng nhân” ấy đã in sâu vào tâm khảm Kiều khiến mỗi khi nhìn thấy trăng nàng lại nhớ chàng Kim, như lần trên đường theo Mã Giám Sinh đi Lâm Truy:
Dặm khuya gút tạnh mù khơi,
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông,
(cc.915-916)
Hay như đêm nay Kiều ở Lầu Ngưng Bích, bóng trăng thề ước lại cùng với người xưa hiện về đầy ắp cả tâm tư:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày mong mai chờ!
Nhớ nhung Kim Trọng bao nhiêu, Kiều lại xót xa cho chàng bấy nhiêu. Giờ này Kim còn ở Liêu Dương có hay đâu Kiều vì gia biến đã bán mình đi xa. Kiều đã phụ chàng rồi; trong khi đó Kiều biết chắc, hết ngày này qua ngày khác, Kim vẫn một lòng tin tưởng và tha thiết mong đợi tin nàng. (tin sương chỉ tin tức).
Tưởng nhớ đến Kim, Kiều lại chạnh buồn cho thân phận bơ vơ nơi chân trời góc bể của mình. Dẫu sao, Kiều vẫn khẳng định rằng tình yêu thắm thiết của nàng đối với Kim sẽ không bao giờ phai lạt “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”. Son chỉ một loại đá có màu đỏ tươi, người xưa mài ra làm mực viết, không bao giờ phai. Tấm son là tấm lòng son, chỉ tình yêu chung thủy tuyệt đối như màu đỏ son, tươi thắm mãi mãi.
b) Kiều Nhớ Cha Mẹ. (1043-1046)
Hết nhớ nhung, ân hận về Kim Trọng, Kiều lại nghĩ đến cha mẹ. Nàng xót thương cho hai thân vẫn hàng ngày sớm chiều tựa cửa mong ngóng tin nàng. Kiều băn khoăn thầm hỏi không biết giờ đây các em nàng, những ai là người “quạt nồng ấp lạnh”, săn sóc sức khỏe cho mẹ cha? Quạt nồng ấp lạnh lấy ý trong Kinh Lễ, nói về bổn phận người con, mùa hè quạt mát cho cha mẹ bớt nóng; mùa đông nằm trước ủ chăn chiếu cho ấm để mẹ cha khỏi lạnh.
Kiều miên man liên tưởng tới ngôi nhà thân yêu nơi cố hương. Sân Lai chỉ sân nhà cha mẹ, lấy tích Lão Lai người đời Chu, đã 70 tuổi còn mặc áo sặc sỡ ra sân múa, vờ ngã cho cha mẹ vui. “Sân Lai cách mấy nắng mưa” ý nói Kiều xa nhà đã vài năm rồi. Nàng phỏng đoán cảnh vật chắc đã nhiều đổi thay. Cây tử trong vườn nhà hẳn đã lớn ra nhiều, ít ra cũng vừa một vòng tay ôm.
III – Câu 1047-1054
Cảnh bể chiều hôm cùng tâm trạng Thúy Kiều:
Từ Lầu Ngưng Bích, với tâm hồn nặng trĩu ưu tư, Kiều đưa mắt ngắm nhìn phong cảnh chiều hôm nơi cửa bể.
Lúc này, ngoài cửa bể mặt trời đã lặn, ánh nắng yếu ớt phai dần, bóng tối đã bắt đầu bảng lảng. Cảnh vật trở nên mờ nhạt hơn, khó nhìn hơn. Bóng tối đến còn gây thêm ảnh hưởng vào bóng tối u sầu trong tâm hồn Kiều.
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Nhìn ra bể khơi, Kiều thấy xa xa ẩn hiện một cánh buồm. Con thuyền hiện ra đó chính là hình ảnh tượng trưng cho tự do mà từ bấy lâu nay nàng hằng ao ước, khát khao. Tuy nhiên, hi vọng tự do nào vừa dấy lên trong lòng Kiều rồi cũng lại tắt ngấm; khác nào cánh buồm kia vừa thoáng hiện ra đó lại đã biến đi (thấp thoáng). Kiều cay đắng nhận ra rằng tự do còn quá xa tầm tay với của nàng (xa xa). Biết bao giờ, ôi biết đến bao giờ Kiều mới thoát khỏi cảnh sống bị giam hãm nơi này?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Nhìn thấy ngọn nước sông từ trên cao đổ xuống bể, trong ảo giác của Kiều hiện ra một bông hoa đang bị một dòng nước cuốn đi, rồi trên mặt nước mênh mông kia “hoa trôi man mác” là hoa cứ âm thầm theo dòng nước cuốn đi, đi mãi... nào ai biết hoa sẽ giạt về đâu? Cánh hoa kia có khác nào thân phận nhỏ nhoi của Kiều hiện nay. Nàng lo sợ chẳng biết rồi đây định mệnh khắc nghiệt sẽ đưa đẩy nàng trôi nổi đến những bến bờ nào của cuộc đời?
Tâm trạng Kiều băn khoăn, lo âu cho số phận tương lai như thế không phải là không có lí do. Dù Kiều đã được mụ Tú thề thốt hẳn hoi là sẽ không bắt nàng làm gái làng chơi, sẽ cho nàng ở mãi nơi Lầu Ngưng Bích chờ đến khi nào tìm được người tử tế sẽ gả cho. Nhưng Kiều bị giam lỏng trên ngôi lầu hẻo lánh, sống cách biệt với thế giới bên ngoài, hỏi ai biết mà tới? Lại nữa, xem cách ăn ở, nghe lối nói năng trở mặt như bàn tay của mụ bấy nay, Kiều đã đoán ra con người hiểm độc đó rồi. Đúng là miệng hùm nọc rắn đâu đây đang rình rập để chụp bắt nàng. Kiều lo lắng nhìn gần rồi lại nhìn xa mong tìm một lối thoát.
Buồn trông nội cỏ dàu dàu
Chân mây, mặt nước, một màu xanh xanh…
Chung quanh lầu, Kiều chỉ nhìn thấy một màu xanh cùng khắp. Nếu không là màu xanh vàng vọt của cánh đồng cỏ héo úa (dàu-dàu), cũng là màu xanh nhàn nhạt (xanh xanh) trải ra vô tận, xóa nhòa biên giới chân trời (chân mây), mặt nước. Màu xanh lúc này đối với Kiều trở thành một màu xanh ám ảnh, một màu xanh vây hãm.Nàng không có lối thoát rồi!
Điều này cho thấy nỗi buồn cùng cực của Kiều bấy giờ. Nàng không chỉ bị nhốt trên Lầu Ngưng Bích mà còn bị giam hãm trong cảnh hiu quạnh của không gian vật lí và tâm lí nữa.
Buồn trông gió cuốn mặt doành.
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Đang sống trong tâm trạng chán nản tuyệt vọng như thế, đôi mắt Kiều chợt gặp cảnh “gió cuốn mặt doành”, tức là cảnh một cơn gió lớn thổi mạnh, nước ở vụng bể (chỗ bể ăn sâu vào đất liền) bị đổ xuống, xô mạnh vào bờ, tạo ra những luồng sóng lớn, vỗ kêu ầm ầm và vang vọng rất xa. Nhìn gió cuốn mặt doành và nghe tiếng sóng vỗ ầm ầm bên tai, Kiều bừng tỉnh cơn mê muội đã lôi cuốn nàng chìm đắm mãi trong nỗi u sầu tuyệt vọng bấy nay.
Gió đã nổi lên ngoài khơi hay gió đã nổi lên trong lòng Kiều? Đúng là một luồng sinh lực mới vừa thổi vào hồn Kiều, tạo sự phấn khởi, tin tưởng. Kiều có cảm tưởng như tiếng sóng ngoài khơi đã theo với tiếng tim nàng đập rộn ràng trong lồng ngực mà đến tận Lầu Ngưng Bích réo gọi “ầm ầm quanh ghế nàng ngồi ‘’, để đốc thúc, cổ võ nàng phải đứng lên đương đầu với những khó khăn hiện tại, và tin tưởng vào sự chiến thắng của nàng trong tương lai. Chưa bao giờ câu thơ “le vent se lève, il faut tenter de vivre” của thi sĩ Paul Valéry lại diễn tả đúng hoàn cảnh và tâm trạng Kiều đến thế.
Phê Bình
Qua phần diễn giải trên, ta thấy đoạn thơ này về nội dung có hai điểm nổi bật. Đó là tâm sự nhớ nhung của Thúy Kiều cùng tâm trạng diễn tiến không ngừng của nàng trước cảnh bể chiều hôm.
Trước hết, nói về nỗi nhớ nhung của Kiều đối với KimTrọng và cha mẹ, Nguyễn Du tỏ ra rất rành tâm lí, ông đã tùy theo thời gian và hoàn cảnh mà để cho Kiều nhớ tới ai trước, ai sau. Lần này Kiều ở Lầu Ngưng Bích, cũng như lần trước khi Kiều trên đường theo Mã Giám Sinh đi Lâm Truy, Nguyễn Du đã để cho Kiều nhớ Kim Trọng trước, nhớ cha mẹ sau là rất hợp tình, hợp lý. Kim Trọng là mối tình đầu của Kiều, nàng lại đang tuổi thanh niên bồng bột, tình yêu đang độ nồng nàn say đắm ; đêm rượu thề dưới trăng cũng chỉ vừa mới diễn ra, mùi rượu thề còn như đọng trên môi! (Thề hoa chưa ráo chén vàng c.701). Hơn nữa, Kiều còn hổ thẹn và ân hận biết bao nhiêu vì chính nàng đã là người chủ động lôi cuốn Kim đi sâu vào cuộc tình gắn bó này ; thế mà giờ đây, nàng đã phụ chàng rồi, để cho duyên tình chàng phải dang dở (Vì ta khăng khít cho người dở dang c.700). Trong khi đó Kim còn ở Liêu Dương có hay biết gì đâu, nàng chắc chắn chàng vẫn một lòng tin yêu và chờ đợi nàng. Còn cha mẹ, dù sao Kiều cũng được yên lòng vì nàng vừa đã hi sinh để báo đền chữ hiếu.
Kiều nhớ Kim, thương Kim, và tin tưởng tình yêu chung thủy của Kim bao nhiêu thì Kiều càng ân hận, khổ sở, tự giày vò mình bấy nhiêu. Cũng chính vì Kiều tin chắc ở tình yêu không bao giờ dời đổi của Kim đối với nàng, khiến nàng có phản ứng tự nhiên là tự quay trở về soi rọi tìm hiểu lòng mình (để so sánh chăng?). Hiện tại, Kiều đang sống cảnh đời bơ vơ trôi giạt nơi góc bể chân trời, Nàng vẫn tha thiết yêu Kim, đã đành; mai sau, dẫu hoàn cảnh có thay đổi thế nào, Kiều tin chắc tình yêu son sắt của nàng đối với Kim cũng sẽ không bao giờ phai lạt. Chính nhờ Kiều biết viện dẫn tình yêu chung thủy của nàng để mong đền đáp phần nào đối với bạn tình chung mà nỗi khổ tâm của nàng được an ủi, lắng dịu. Sự diễn tiến tâm lí của Kiều như vậy là rất tự nhiên và sâu sắc.
Tình nhớ thương cha mẹ của Kiều cũng rất tha thiết, tế nhị, và đầy nhân bản tính. Kiều mặc dầu đã hi sinh bán mình cứu cha để báo đền chữ hiếu, nhưng với tấm lòng của người con hiếu thảo, dù ở hoàn cảnh nào, Kiều vẫn luôn luôn hướng tâm hồn về quê hương, gửi niềm thương nhớ đến hai thân.Đây là thời gian Kiều mới xa nhà chừng một hai năm đầu. Giai đoạn này, Kiều rất hiểu và thông cảm nỗi khổ tâm của cha mẹ. Ông bà thương nhớ, xót xa cho Kiều, đứa con gái đã vì sinh mệnh cha già và sự toàn vẹn của gia đình, chấp nhận hi sinh bán mình làm thiếp cho một khách viễn phương, phải chịu sống cảnh cô đơn xứ người “nắng mưa thui thủi, quê người một thân” (c.900). Giá biết chắc như thế, ông bà cũng đỡ khổ tâm ; đằng này ông bà còn lo sợ cho Kiều bị lừa vào tay kẻ buôn người, như lời Kiều đã tâm sự với bà trước khi ra đi “Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già” (c.883). Như thế, bảo sao ông bà không bồn chồn lo lắng cho Kiều? Không ngày ngày sớm chiều tựa cửa mong ngóng tin tức của con để biết hư thực ra sao?
Thân Kiều đã bị lừa đảo đến thế mà nàng vẫn còn để lòng xót xa cho cha mẹ phải lo lắng chờ mong tin nàng. Kiều lại còn thắc mắc không biết giờ này ở nhà những ai thay nàng chăm sóc hai thân? (ý hẳn Kiều muốn biết những ai đó có phụng sự cha mẹ chu đáo như nàng ngày xưa không? Tấm lòng hiếu thảo của Kiều đối với cha mẹ, chúng ta, những người có tình, ai ai cũng phải cảm động.
Lại như 8 câu thơ cuối, tuy là cảnh mặt bể chiều hôm trước Lầu Ngưng Bích, nhưng cảnh chỉ được ghi lại qua con mắt nặng trĩu ưu tư của nàng Kiều. Bởi vậy, cảnh của Nguyễn Du không cần đặt vấn đề thực hay ảo, hợp lí hay không hợp lí, miễn hình ảnh của nó đủ sức dẫn khởi ý tưởng. Quả thực, bốn loại cảnh nơi cửa bể chiều hôm trước Lầu Ngưng Bích đã giúp ta theo dõi được tâm trạng chuyển biến của nàng Kiều. Tâm trạng ấy đã được diễn tiến theo một trình tự rất tự nhiên và sống động:
Kiều từ tâm trạng bơ vơ, tủi buồn vì bị giam cầm trên lầu vắng, nơi chân trời góc bể ( 1041), trong khi tự do, hạnh phúc còn quá xa tầm tay với (1047-1048) ; đến tâm trạng băn khoăn lo lắng cho thân phận trước tương lai vô định đầy bất trắc (1049-1050) ; đến tâm trạng buồn nản tuyệt vọng vì không tìm được lối thoát cho bản thân (1051-1052). Nhưng rồi một cơn gió lớn nổi lên, tiếng sóng ầm ầm vọng tới …Kiều liền bừng tỉnh cơn mê muội đã kéo nàng chìm đắm mãi trong nỗi đau khổ, tuyệt vọng ; Kiều lấy lại được niềm tin, quyết tâm phấn đấu chống lại số mệnh khắc nghiệt (1053-1054).
Sự bừng tỉnh này của Kiều chẳng khác nào sự bừng tỉnh của một thiền sinh đang theo đuổi công án, bỗng một lời nói, một cử chỉ có vẻ vu vơ, vô nghĩa của sư phụ mà liền đốn ngộ. Thế là nỗi đau buồn tỏa rộng và sâu lắng tưởng không thể tan được của Kiều, ngờ đâu chỉ một cơn gió mạnh thổi mặt doành mà một nguồn sinh lực mới nẩy sinh đưa nàng ra khỏi bờ vực thẳm của chán nản, tuyệt vọng. Kiều lấy lại được niềm tin và quyết tâm tìm cách thoát khỏi Lầu Ngưng Bích, giành lại tự do, hạnh phúc cho mình.
Sự quyết tâm tranh đấu chống lại định mệnh khắc nghiệt này của Kiều, Nguyễn Du một lần nữa đã làm nổi bật tính sắc sảo của Kiều. Từ bao giờ đến bao giờ Kiều vẫn là một con người với bản ngã có hai khuynh hướng rõ rệt: tình cảm và lí trí. Chừng nào khuynh hướng tình cảm thắng, Kiều trở nên ủy mị buồn rầu, bi quan yếm thế. Chừng nào khuynh hướng lí trí thắng, nàng lại là con người sắc sảo chủ động, ý chí chiến đấu mạnh. Huống chi giờ đây, nàng đang tuổi thanh niên, tinh thần lạc quan và tinh thần tranh đấu tất nhiên càng mạnh mẽ. Chỉ tiếc rằng Kiều vì quá muốn thoát li khỏi nanh vuốt Tú Bà, vội vàng nhờ cậy Sở Khanh mà thành rơi vào bẫy của mụ Tú.
Khi nhận xét đời sống nội tâm của nàng Kiều qua đoạn thơ Kiều ở Lầu Ngưng Bích trên (cũng như những đoạn Kiều nhớ nhà khác như Kiều trên đường theo Mã Giám Sinh đi Lâm Truy, Kiều ở thanh lâu, Kiều nhớ nhà khi Từ Hải ra biên giới lập nghiệp), ta thấy trong dòng tâm tưởng của Kiều, những nỗi nhớ nhung người thân, quê nhà, những hồi niệm về dĩ vãng, những băn khoăn hay mơ ước cho ngày mai đều có sự liên kết giữa hiện tại với quá khứ và tương lai. Như thế, trong cùng một lúc, nàng Kiều đã sống trong hai khái niệm thời gian khác nhau:
Thời gian khách quan vật lí : hàng ngày nhân vật Kiều vẫn tuần tự trải qua một cuộc sống tẻ nhạt với “mây sớm” “đèn khuya” nơi Lầu Ngưng Bích, theo đúng sự diễn tiến của sự vật, sự tuần tự của chiếc kim đồng hồ.
Thời gian chủ quan tâm lí: đồng thời, trong đời sống nội tâm của Kiều, nàng sống với thời gian tâm lí, diễn tiến theo cảm xúc của nàng.
- Hiện tại: Kiều nhớ cha mẹ.
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ?
- Quá khứ: Kiều nhớ nhà.
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Kiều nhớ Kim Trọng.
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông, mai chờ.
Ở đây, tháng năm đã biến thành “mấy nắng mưa”, “tin sương”.
-Tương lai: Kiều tin chắc trong tương lai, tình nàng yêu Kim vẫn không bao giờ mờ nhạt.
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Với những ưu điểm trên, Nguyễn Du đã xây dựng được một nhân vật Kiều có một đời sống nội tâm vô cùng sâu sắc, sống động, và đầy nhân bản tính. Khác hẳn nhân vật Kiều trong KVK Truyện của TTTT, suốt 15 năm lưu lạc nơi đất khách quê người, nhân vật Kiều ở đây đã không có lấy một giờ phút tưởng nhớ cha mẹ, quê hương ; riêng Kim Trọng được một lần duy nhất nơi Lầu Ngưng Bích. Như vậy, nhân vật Kiều trong KVKT quả là quá hời hợt, nông cạn.
Đoạn thơ Kiều ở Lầu Ngưng Bích đạt được những giá trị nội dung như vừa trình bày ở trên là nhờ Nguyền Du đã sử dụng nhiều hình thức nghệ thuật thích đáng. Đó là: để diễn tả tình cảm, tâm trạng Thúy Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng một cách khéo léo nhiều từ láy có giá trị biểu cảm đặc biệt như: “bát ngát”, “bơ vơ”, “man mác”, “dàu dàu”. Ngay đến những tư tưởng chỉ để tả cảnh như “thấp thoáng”, “xa xa” đọc lên cũng gợi được trong ta một nỗi buồn nhẹ nhàng man mác. Lại những từ như “luống”, “những” cũng đều có giá trị biểu cảm rõ rệt.
Nghệ thuật hành văn đáng kể nhất trong đoạn thơ này là lối điệp đầu ngữ (anaphore), tức sự lập lại một từ hay một nhóm từ ở đầu câu, với mục đích rõ rệt là làm gia tăng một ý tưởng hay một tình cảm, một nhạc điệu, như hai từ “buồn trông” được đặt ở đầu câu thứ nhất trong suốt bốn đoạn tả cảnh ; chẳng những để báo trước nỗi buồn của Kiều đã tràn lên cảnh sắc thiên nhiên mà đồng thời còn tạo được nhạc điệu lưu luyến kéo dài, gây được cảm xúc thê thiết. Nỗi buồn thương da diết của nàng Kiều vì thế tưởng chừng không bao giờ chấm dứt.
Nghệ thuật điệp đầu ngữ này cũng thường thấy trong văn học Âu Châu, và đây là một điệp đầu ngữ nổi tiếng trong văn học Pháp.
Rome, l'unique objet de mon ressentiment
Rome, à qui vient ton bras d' immoler mon amant
Rome, qui t' a vu naitre et que ton coeur adore
Rome, que je hais parce qu’ elle t’ honore …
(Corneille, Horace,Acte VI, sc.5)
Lại như câu tả cảnh trời bể bao la trước Lầu Ngưng Bích:
Bốn bề bát ngát xa trông
Nguyễn Du đã kết hợp được nhiều từ ngữ liên tiếp có phụ âm đầu B: - bốn -bề - bát, thuộc loại âm môi (đọc lên nghe nhẹ và vang), cùng nhiều từ ngữ liên tiếp có nguyên âm A: - bát - ngát - xa, có độ mở (miệng) rộng. Đồng thời, có sáu từ trong câu thì năm từ có thanh bổng (không dấu hoặc có dấu sắc), khiến khi đọc lên âm thanh nghe vang vang và kéo dài, gây cho ta ấn tượng không gian trước Lầu Ngưng Bích dàn trải ra mãi đến vô tận.
Để phụ họa cho hai từ biểu cảm“luống những” trong câu thơ “Tin sương luống những rày trông, mai chờ” nhằm diễn tả tình cảm tha thiết của Kim Trọng đối với Kiều (nàng biết chắc như vậy), Nguyễn Du đã tách từ kép “trông chờ” làm hai vế đối nhau (rày trông/ mai chờ), chẳng những đọc lên nghe gợi cảm mà tình ý diễn đạt đã tha thiết càng thêm thiết tha.
Ngoài ra, Nguyễn Du còn sử dụng nghệ thuật tương phản để gây ấn tượng mạnh như tả cảnh trí bao la man mác xung quanh Lầu Ngưng Bích (1035-1036) để làm nổi bật thân phận nhỏ nhoi và cảnh ngộ cô đơn của Kiều khi bị giam lỏng nơi đây. Lại như hình ảnh mênh mông, vời vợi nơi cửa bể, tượng trưng cho tự do của đất trời, tương phản với hình ảnh nhỏ bé, chập chờn của cánh buồm xa, tượng trưng cho ước mơ về tự do khiêm tốn của Kiều. Thương thay, ước mơ nhỏ bé ấy vẫn còn quá xa tầm tay với của nàng (thấp thoáng, xa xa).
Điểm cuối cùng chúng tôi muốn trình bày là nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du trong đoạn thơ trên. Bốn đoạn tả cảnh sắc thiên nhiên nơi cửa bể chiều hôm trước Lầu Ngưng Bích cho ta thấy, Nguyễn Du vẫn tả cảnh theo đường lối đã vạch:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu.
Người buồn, cảnh chẳng vui đâu bao giờ!
(cc. 1242-1244)
Nghĩa là ông vẫn dùng lối tả cảnh ngụ tình và tả tình luyến cảnh có tính cách ước lệ cổ điển. Nhưng điều đặc sắc ở Nguyễn Du là ông đã tạo được một sự hài hoà tuyệt diệu giữa tình và cảnh, khiến cho cảnh lung linh như có linh hồn và vô vàn gợi cảm ; đồng thời nó đã phản chiếu trung thực được đời sống nội tâm phong phú của nhân vật.Ttrong khi tình cũng nhờ cảnh mà được thể hiện một cách uyển chuyển, duyên dáng, và tế nhị. Đạt được điểm này là nhờ Nguyễn Du biết lựa chọn hình ảnh biểu tượng, biết thổi hồn vào vạn vật bằng cách nhân cách hóa nó, nội tâm hóa nó qua những từ ngữ sử dụng sắc sảo, linh động. Như để diễn tả tâm trạng băn khoăn lo lắng cho tương lai vô định đầy bất trắc của Kiều, Nguyễn Du đã chọn hình ảnh “nước chảy hoa trôi”. Nhưng chỉ có thế thì cảnh quá quen thuộc dễ trở thành nhàm chán, không thể diễn tả được nội tâm của nhân vật. Nguyễn Du sử dụng phó từ “man mác” để làm linh hoạt cái vẻ trôi lờ lững của hoa, cảnh lập tức trở nên có hồn và vô cùng gợi cảm. Nó tạo được hình ảnh một bông hoa trôi nổi trên mặt nước đang tỏa rộng trong sự cô tịch của buổi chiều. Nước cứ chảy, hoa cứ âm thầm theo dòng nước cuốn trôi, trôi đi mãi, nào biết rồi sẽ về đâu?
Đặc biệt hơn nữa, Nguyễn Du đã tả cảnh chiều hôm nơi cửa bể trước Lầu Ngưng Bích theo trình tự thu dần đối tượng về điểm kết:
*Cảnh đi từ xa tới gần: Cánh buồm xa xa--->ngọn nước mới sa--->hoa trôi man mác-->nội cỏ--->chân mây--->mặt dất--->gió cuốn mặt doành-->quanh ghế ngồi.
Nguyễn Du đã có ý trình bày cảnh phụ trước, cảnh quan trọng sau, và cuối cùng mới là nhân vật. Như thế, ý tác giả đã rõ, cảnh chỉ là phụ, nhân vật mới là chính.
* Cảnh đi từ buồn: thấp thoáng, xa xa--->lo lắng cho tương lai : man mác--->bi quan chán nản :dàu dàu, xanh xanh--->quyết định phấn đấu--->gió cuốn, ầm ầm. Cũng nhờ cảnh sắc ngoại giới biến đổi như thế mà ta biết được đời sống nội tâm phong phú và tế nhị của nhân vật Kiều. Bản sắc và tính cách của nhân vật cũng nhờ đó mà được tỏ rõ thêm.
Tóm lại, chỉ một đoạn thơ ngắn ngủi Kiều Ở Lầu Ngưng Bích, vẻn vẹn có 25 câu, đã đủ chứng tỏ Nguyễn Du là một tiểu thuyết gia xuất sắc, vừa hiểu thấu tâm lí con người, vừa có một nghệ thuật diễn đạt tinh vi, điêu luyện. Nhờ vậy, nhân vật Kiều ở đây rất “sống”. Chúng ta có cảm tưởng nàng không còn là một nhân vật tiểu thuyết nữa, mà là một con người bằng xương bằng thịt, sống trên cõi đời này để chia sẻ với chúng ta những khổ lụy của kiếp người, phải sống đọa đày trong một chế độ độc tài, một xã hội sa đọa, tàn bạo áp bức, bất công... Đồng thời, nàng cũng chia sẻ với chúng ta những khát vọng cùng niềm phấn khởi trong tranh đấu để giành lấy một cuộc sống tự do hạnh phúc cho bản thân và cho những người xung quanh.